Saturday, May 26, 2012

Bài thi viết về tấm gương nhà giáo xứ Lạng


QUÊ HƯƠNG LẠNG SƠN
CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ


Trong suốt quá trình học tập của mình trên mảnh đất xứ Lạng thân yêu nơi tôi sinh ra và lớn lên tôi đã gặp và khâm phục trước một tấm gương tự học bền bỉ đầy nghị lực của thầy – thầy Đặng Hiệp Giang chuyên viên Vụ Giáo dục  Trung học – Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy nguyên là giảng viên Khoa Tiếng Anh trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn. Với khối kiến thức uyên bác, khả năng ngôn ngữ điêu luyện và khiếu hài hước đã khiến cho các thế hệ sinh viên từng được học với thầy (trong số đó có tôi) luôn khắc sâu hình ảnh ấy, phong cách ấy. Ngày đó chúng tôi vẫn thường thấy thầy với chiếc quần Jeans và áo sơ-mi bình dân, (mà như thầy đã tâm sự rằng thầy chưa từng mua chiếc nào vượt quá chín mươi nghìn – giá của năm 2003) thầy xách chiếc cặp không có vẻ gì là mới nhưng với mỗi lần lên lớp thầy luôn cho chúng tôi những phương pháp học tập thật sự mới, chúng tôi không còn bị gò bó bởi những quyển sách dày vài trăm trang, không phải hằng đêm cặm cụi học thuộc vẹt những lý thuyết này nọ, mà thầy đã dạy chúng tôi rằng việc học từ sách không phải là đọc và ghi nhớ những gì đã đọc mà hãy tìm những gì mình cần học trong sách để vận dụng trong thực tế, rằng việc học không phải chỉ để có được điểm tốt qua các bài kiểm tra mà học để có thể làm được những việc tốt cho mình và cho những người quanh ta, rằng việc học trên lớp không phải là yếu tố duy nhất quyết định tới sự thành công mà mỗi chúng ta chỉ có thể thành công nếu kiên trì trên con đường tự học. Rồi thầy kể cho chúng tôi nghe về con đường đến với môn Tiếng Anh mà thầy vô cùng yêu quý.

Ngày ấy khi còn là học sinh phổ thông, thầy không được học Tiếng Anh ở trường (vì lúc đó trường phổ thông chưa có môn học này) mà thầy phải tranh thủ học tại trung tâm dạy ngoại ngữ bằng những khoản tiền ít ỏi từ việc phụ giúp cha làm nghề sửa xe đạp – lúc ấy nhà thầy không phải là một gia đình khá giả mặc dù ở trung tâm thị xã Lạng Sơn. Thời gian ấy tài liệu phục vụ học tập tiếng Anh còn rất hiếm. Nhưng với lòng kiên trì sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng thầy đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Và thầy đã thi đỗ vào đại học để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình.

Khoảng thời gian học đại học với thầy cũng là khoảng thời gian đầy thử thách đối với một sinh viên nghèo tỉnh lẻ. Thầy từng tâm sự với chúng tôi: Ngoài thời gian lên giảng đường các bạn của thầy có người thì tự học ở nhà, có người thì nghiên cứu tài liệu trên thư viện còn thầy thì …. “học ở nhà học sinh”. Năm năm học đại học đối với thầy là năm năm lăn lộn với nghề gia sư để kiếm tiền nuôi sống bản thân và quan trọng hơn là để nuôi sống niềm đam mê tiếng Anh nó như đã gắn chặt với cuộc sống của thầy.


Học xong đại học, không giống những người bạn đồng môn của mình bám trụ tại thủ đô để tìm kiếm những cơ hội lớn cho sự nghiệp, thầy đã trở lại quê hương nơi thầy đã lớn lên và bắt đầu niềm đam mê ấy. Sự trở về này không phải vì thầy không thích những cơ hội lớn đang chào đón tại thủ đô mà vì một lẽ thầy muốn cống hiến sức mình cho quê hương để góp phần nào đó khỏa lấp những thiếu thốn mà thầy đã từng trải qua, để thắp lên và dẫn lối cho những niềm đam mê nối tiếp đối với bộ môn tiếng Anh tại quê mình.

Đối với nhiều người, việc đi làm cũng là điểm kết thúc của quá trình học tập, nhưng với thầy đây vẫn chỉ là khởi đầu, thầy vẫn kiên trì tự học tự trau dồi kiến thức và kết quả là năm 2004 thầy đã cùng với một số không nhiều những người Việt Nam đạt học bổng du học hai năm tại Mĩ. Cơ hội lớn đến với thầy song đây có lẽ cũng là thử thách lớn nhât đối với thầy khi còn là một giảng viên trường cao đẳng của một tỉnh lẻ không lấy gì là giàu có phải đối diện với một áp lực về tài chính và quyết định rời xa gia đinh với đứa con thân yêu chưa đầy hai tuổi để qua phía bên kia bán cầu tiếp tục việc học tập và nghiên cứu chuyên môn. Phải có một nghị lực lớn lắm mới có thể giúp thầy đưa ra được cái quyết định mạnh mẽ ấy và có thể nói rằng đó chính là bước ngoặt lớn dẫn tới thành công lớn trong sự nghiệp của thầy để có những cống hiến lớn hơn cho sự học của các thế hệ học sinh – sinh viên nơi quê hương trong việc học tiếng Anh.

Hoàn thành chương trình du học, trở về tiếp tục công tác giảng dạy hơn một năm, trong khoảng thời gian đó thầy tiếp tục chuẩn bị cho dự định tham gia một khóa du học hai năm nữa tại Mĩ. Nhưng tạm gác lại nỗi niềm nung nấu ấy, thầy đã quyết định nhận lời mời của Bộ Giáo dục và Đào tạo về làm chuyên viên Vụ giáo dục trung học. Tại đây thầy phụ trách việc học tập và giảng dạy bộ môn tiếng Anh bậc THCS và THPT. Cũng hoàn toàn dễ hiểu cho quyết định của thầy vì đây chính là cơ hội lớn để thầy có thể cống hiến sức lực, trí lực của mình cho việc dạy và học tiếng Anh của học sinh và giáo viên bậc trung học trên cả nước đúng thư thầy đã từng chia sẻ: Với thầy cơ hội đi du học thì có nhiều nhưng cơ hội được công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có một. Câu nói ấy đủ cho tôi thấy được tâm huyết của thầy trong công việc.





Có nhiều lần ngồi vào bàn máy tính, bật mạng lên tôi gõ dòng tên thầy Đặng Hiệp Giang” đơn giản chỉ để biết rằng thầy vẫn đang say sưa với niềm đam mê của mình, 
để biết rằng thầy vẫn đang phụ trách về chuyên môn tiếng Anh mà tôi đang trực tiếp giảng dạy ở trường THCS, để biết rằng thầy vẫn đang là thành viên ban tổ chức cuộc thi OLYMPIC tiếng Anh qua internet được hàng triệu học sinh và giáo viên trên cả nước quan tâm, để biết rằng thầy đã và đang tham gia viết sách, tài liệu bồi dưỡng, tài liệu tham khảo bộ môn tiếng Anh như bộ sách Tự luyện OLYMPIC tiếng Anh, Ôn luyện kiến thức theo cấu trúc đề thi môn tiếng Anh – dùng cho ôn thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng … và để được thêm tự hào, thêm kính trọng thầy hơn.

Không còn được học với thầy đã 8 năm nhưng những kỷ niệm của ngày còn là sinh viên của thầy thực sự chưa bao giờ mờ nhạt trong tôi. Phong cách của thầy, ý chí và nghị lực phi thường của thầy, một chặng đường với sự phấn đấu không mệt mỏi của thầy từ một người thanh niên không được học tiếng Anh một cách bài bản ở trường phổ thông trở thành một chuyên viên tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn là nguồn cổ vũ động viên cho chúng tôi - những học trò của thầy nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công tác giảng dạy bộ môn tiếng Anh tại địa phương để xứng đáng trước tấm gương sáng ấy.


 Trần Thanh Hà


No comments:

Post a Comment